Từng loại nhang, hương đều có ý nghĩa sâu sắc. Cốt hay tăm hương bằng cật tre hoặc keo dính là biểu tượng của niềm tin bền vững. Màu vàng và đỏ của hương tượng trưng cho chiến thắng vinh quang và sự ngộ đạo, ngoài ra còn có nghĩa là ánh sáng và năng lượng tạo nên những cảnh giới kỳ diệu. Mùi thơm của hương chiết xuất từ nhựa cây cũng đem tới sự sinh sôi, phát triển.
Nén nhang như một nhịp cầu nối kết giữa trần gian của người tại thế và cảnh giới của người đã khuất. Hương nén và hương sào ở thế thẳng đứng được xem là nấc thang nhanh nhất thẳng tiến từ đất lên trời. Hương vòng với các khúc cong uyển chuyển nằm ngang dính các sợi dây điều mỏng lại giống các tầng bậc lên cõi thiên. Tựu chung, cả ba cõi Trời, Đất, Người được nối liền bằng chiều dài của que hương.
Theo tín ngưỡng dân gian, muốn mời gọi anh linh về thụ lễ, con cháu trước tiên phải có nén hương để giao tế và chuyển tải lời cầu khẩn lên tiên tổ. Nhang, hương do vậy là một phần của đồ lễ cúng bái, đối với Trời Phật, Thiên thần, Địa thần gồm hương, hoa, đèn, trà, oản, quả, thực (cơm). Để phát huy trọn vẹn uy lực của cây hương, người dân thường đốt nhang bằng ngọn lửa đèn dầu thắp từ tinh chất vừng, lạc, đậu được tin là suối nguồn nuôi dưỡng ánh sáng và hơi ấm. Hoặc châm hương bằng diêm, đá lửa ví đó như lôi điện từ trên trời ban xuống.
Ở đâu trên khắp đất nước Việt Nam tươi đẹp, từ già đến trẻ ai ai cũng biết tới nhang, hương. Từ nhỏ, trẻ em đã được xem người lớn thắp hương cúng cụ, cho đi lễ chùa, ra chợ mua sắm hương hoa. Phụ nữ, nhất là các cụ bà thì luôn dùng hương để cúng bái, khi đi chợ đều không quên mua vài bó hương về thắp. Khi đi lễ chùa, mọi người cũng thường dâng lên Tam Bảo, Lễ Tổ và Lễ Mẫu những nén hương thơm cầu bình an, mạnh khỏe.
Thắp hương trên bàn thờ là cách để con cái chiêm vọng cha mẹ, cháu chắt cúng bái ông bà, tổ tiên, cảm ơn anh linh đã phù hộ cho gia quyến được bình an, may mắn và phát đạt, cũng như để người dân cảm tạ các vị anh hùng, thiên thần, nhân thần đã có công xây dựng và bảo vệ xóm làng, bảo vệ đất nước. Với trẻ nhỏ, thắp hương còn ngụ ý răn dạy, giúp trẻ hiểu biết phong tục, tập quán, họ hàng nội ngoại và đạo lý uống nước nhớ nguồn…..
Thắp hương đã trở thành nghĩa cử, tục lệ cao đẹp của người dân nước Việt. Đi chùa, đình, miếu ngang qua các gốc cây già, phế tích nhiều người đều dừng lại thắp hương. Vào tiết thanh minh, mỗi gia đình đều thắp hương mộ chủ và những mộ của xóm giềng xung quanh để sự ấm áp, thơm tho, an lành sẽ đến với muôn nhà. Vào ngày xá tội vong nhân, mọi nơi cùng làm lễ, dâng hương cầu siêu cho những linh hồn lang thang không nơi nương tựa. Mỗi người thắp một nén hương khói thơm nghi ngút, cảm thấy ấm áp lạ kỳ, tâm hồn sáng tươi và hướng thiện.
Với nhiều người, nhang khói đã trở thành thứ gì đó vô hình mà hữu hình, thể hiện nét văn hóa trong cuộc sống thường nhật. Không ngày nào là không thắp hương, không giờ nào là không tụng niệm. Mỗi khi làm việc gì, đều thắp hương, làm lễ cầu mong thần linh độ trì. Người giàu có mâm cao cỗ đầy, người không có điều kiện thì thành tâm thắp mấy nén hương. Riêng khi lễ Phật, các cụ già luôn bưng một mâm lễ gồm hương, nến, oản, quả, hoa là những thứ tạo nên mùi thơm tinh khiết, đặt trang trọng trên thượng điện và thắp ba nén hương. Nén thứ nhất cắm ở giữa cúng Phật, nén thứ hai cắm bên phải cúng Pháp và nén thứ ba cắm bên trái cúng Tăng. Ngoài hương trầm, hương sạch không hóa chất thì mỗi người cũng dâng lên Trời Đất tấm lòng thơm thảo của mình.
Từ xưa, ở quê đã có thói quen thắp hương theo số lẻ. Thường nhất là ba nén, một nén cắm chính giữa thẳng đứng, hai nén còn lại nghiêng hai bên. Theo thuyết luận đạo Lão là để cúng tam tinh (Phúc, Lộc, Thọ) và triết lý nhà Phật là để cúng Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), tam giới (dục, sắc, vô sắc giới), tam thời (khứ, vị, lai), tam vô lậu (giới, định, tuệ). Cũng có nơi thắp năm cây hương sắp hai hàng, hàng trong ba cây lập án tam tài tương ứng với thiên, địa, nhân (trời, đất, người) đứng hàng ngang cai quản thế giới, hàng ngoài hai cây tạo thế che đỡ cùng với ba cây kia tạo dựng ngũ khí, tức là năm nguyên tố cấu tạo vũ trụ là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (kim loại, cây cỏ, nước, lửa và đất).
Ngoài hương bé, hương cỡ trung, nhiều người còn đốt hương to, hương vòng và tùy hình dạng bó hương đang cháy mà gửi tâm niệm như hương đốt chụm – muốn nói toàn thể gia quyến, đệ từ đồng tâm chiêm bái, nguyện cầu chư thần, chư Phật; hương tóe đi nhiều hướng hay nằm rải trên mặt phẳng là phát nguyện, đồng tâm dõi chín phương tám hướng thông suốt mọi tầng đất, tầng trời…
Ngoài chú ý tới hương, người ta còn coi sóc đến bát hương là đồ gốm sứ, kim loại cho cắm que hương ở vị trí trang trọng và để tàn nhang rụng vào đó. Trên bề mặt bát hương thường vẽ hình rồng, trong lòng bát chứa tro (từ lúa nếp là tốt nhất, còn nếu không thì dùng tro rơm thường nhưng được sàng xảy sạch sẽ)….. Tùy nơi, gia chủ sẽ trưng một hay ba bát hương sắp theo nguyên lý âm dương ngũ hành. Thông thường chính giữa ban thờ sẽ đặt một bát hương lớn tượng trưng cho các vì sao, trên cắm một cây trụ là trục vũ trụ cũng là chỗ mắc hương vòng. Bên phải và trái kê hai bát hương nhỏ để tạo thế tam tài và ở hai góc ngoài cùng có hai cây đèn dầu và đế cắm nến – hiện sinh của mặt trời và mặt trăng. Vì bát hương là nơi yên vị của các anh linh trong toàn thể hội đồng gia tiên, thần linh, chúa đất, long thần, táo quân, nên việc thay đổi bát hương có thể tác động lớn tới vận mạng gia chủ nên nhiều năm hay chỉ đến 23 tháng chạp - lễ cúng ông Táo lên chầu trời hoặc chọn những ngày đẹp nhất định phù hợp với tuổi của gia chủ người ta mới thay bát hương và thực hiện các nghi lễ rất khe khắt, thận trọng.
Mỗi người chúng ta đều xem trọng nghi lễ, cung cách thắp hương. Đứng trước ban thờ, người cũng phải cúi thấp trọng tâm, mắt nhìn xuống; khi mới thắp hương thì chắp tay trước ngực, hết hương thì vái và dâng hương thì quỳ lạy. Khi thắp hương, mọi người tuyệt đối không cười đùa, chòng ghẹo vì e ngại các vị thần sẽ giận dữ mà trừng phạt hoặc bỏ đi không tiếp lễ. Nhiều người tin rằng lòng thành sẽ cảm động được thần thánh nên mặc dù do độ ẩm, độ khô, độ ngậm lửa hay châm lửa quá to tự nhiên làm que hương nghiêng ngả, gãy khúc hoặc cháy bùng… họ vẫn tin đó là điềm báo thần linh đã chứng nhận cho mình.
Cũng với niềm tin khi hương cháy là lúc tổ tiên đang hưởng lễ, con cháu phải chờ hết hương mới lễ tạ, xin lộc và hóa vàng. Nhìn nén hương đỏ lửa, ai nấy đều cảm thấy linh thiêng vô cùng, khi hết hương gia chủ cúi xin tổ tiên phát lộc rồi mới nhẹ nhàng bưng đồ lễ xuống để cả nhà chung vui.
Trong ngày lễ hay thường nhật, khói hương từ những nén nhang luôn khiến cho mỗi người cảm giác phiêu bồng, nhẹ nhõm. Mùa hè đứng trước làn khói hương thơm ấy thấy tĩnh lại, mát dịu; mùa đông lại phấn chấn, ấm áp, bỗng nhiên quên hết những ưu phiền, cảm giác những ký ức tình cảm với ông bà, với người thân đã khuất cứ ùa về nâng niu và quý trọng lắm. Đó là những giấc mơ thiện duyên về quá khứ và tương lai, mọi thứ diễn ra chân thật hay chỉ là ảo ảnh – tỉnh dậy vẫn cảm nhận đó như không phải là cơn mơ mà là thực tế trong cuộc đời!
♦♦♦ ĐỒ THỜ MINH HUỆ - Tâm Duyên Hoan Hỷ ♦♦♦