1. Cúng rằm tháng 7 vào ngày 14 hay 15?
Từ ngày 2-14/7 âm lịch là ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vảng vất khắp nhân gian. Vì tin là ngày mở cửa ngục ân xá cho vong linh nên dân gian sắm cỗ cúng các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa để được bình an, ma quỷ không quấy phá.
Ở miền Bắc cúng thổ công, gia tiên, ông bà, mọi người thường cúng trước ngày rằm tháng Bảy. Đúng ngày rằm tháng Bảy, Phật tổ xá tội vong nhân trong vòng 1 ngày. Mọi linh hồn kể cả tội lỗi, quỷ dữ dạ xoa đều được tự do.
Vì vậy, dân gian quan niệm nếu cúng đúng ngày này, sợ rằng sẽ bị những linh hồn này phá phách, rước thêm âm binh và cô hồn vào trong nhà mình. Cũng vì có rất nhiều vong hồn đi lang thang nên nếu hóa vàng mã vào ngày này dễ bị cướp, người thân khó nhận.
Do vậy, trên quần áo, đồ đạc hàng mã thường sẽ ghi rõ tên người nhận, khi cúng cũng đọc rõ tên và xin phép các thần linh thổ địa cho phép vong vào nhận đồ, cúng trước và hóa trước để người thân dễ nhận được.
2. Cúng rằm tháng 7 vào giờ nào mới đúng?
Theo Đại đức Tâm Kiên, lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên nên thực hiện ban ngày. Còn lễ cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội… nên cúng vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng, đây là theo quan niệm của dân gian, bởi ban ngày có ánh sáng, ánh nắng mặt trời rất mạnh trong khi các cô hồn được "mở cửa ngục" thả ra rất yếu. Vì thế, nếu cúng ban ngày, các cô hồn vì sợ ánh sáng, ánh nắng sẽ không dám đến đón nhận những đồ vật phẩm cúng bố thí của các gia đình.
Tuy nhiên dù chọn giờ nào thì việc cúng cô hồn đều phải diễn ra trước 12 giờ đêm ngày 15/7.
3. Cúng rằm tháng 7 ở nhà hay ở chùa trước?
Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã từng dạy rằng: “Ngày Rằm tháng 7 không phải ở chỗ mâm cao cỗ đầy, mà ở thái độ và lương tâm của mỗi người".
Trong ngày này, các gia đình nên lên chùa làm lễ Vu Lan, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên… vào ban ngày, sau đó về nhà làm một mâm cơm chay thắp hương lên bàn thờ Phật và bàn thờ người thân. Riêng việc thiết lập mâm lễ cúng cho những cô hồn chưa siêu thoát thì nên thực hiện vào buổi chiều tối. Mâm lễ cúng cô hồn nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa.
Nếu không muốn cúng cô hồn tại nhà có thể cúng tại chùa. Việc cúng Vu Lan báo hiếu tại tư gia nên thực hiện theo các khóa lễ sau: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và phóng sinh.
4. Chuẩn bị gì cho lễ cúng cô hồn, chúng sinh
Muối gạo (1 đĩa), cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ) hay là cơm vắt (3 vắt), bát đường, giấy áo, giấy tiền vàng bạc, bắp rang, bánh, kẹo, nước (3 ly nhỏ), 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.
5. Sắp lễ cúng Phật
Vào ngày rằm tháng Bảy, sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả, sớ vàng to, tiền mã, hương sạch dạng ống , nến viên, nến sen ......để cúng Phật tại nhà. Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh - Kinh Vu Lan - để hiểu rõ về ngày Báo hiếu, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.
6. Cúng thần linh, gia tiên
Một số người Việt Nam tin rằng mỗi năm, cứ đến tháng 6 - 7 âm lịch là vào vụ thu hoạch mùa màng. Để công việc được may mắn, không gặp trắc trở, người dân thường cầu xin thần linh, thổ địa... bắt giam những yêu ma, oan hồn lại cho khỏi quấy nhiễu.
Đến đúng ngày 15/7, mọi việc phải được hoàn tất, đó cũng là lúc "ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy", "mở cửa ngục xá tội vong nhân".
Vào ngày này, người ta thường làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh, và một mâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình. Vì vậy nên đa phần các gia đình thường cúng cơm mặn, nhưng theo giáo lý nhà Phật việc cúng chay tốt hơn.
Việc cúng bái, kiêng kị thì gần như đất nước nào cũng có, dù nước tiên tiến, hiện đại nhất. Kiêng ở một góc độ nào đó giúp con người được vững tâm. Từ xưa đến nay, trong văn hóa tâm linh của hầu hết dân tộc trên thế giới đều có những tập tục kiêng kị, nhằm có được may mắn, tránh vận xui rủi.